Hiện kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả nước đang hướng tới vượt mốc 660 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Giành lại vị thế xuất siêu
Sau hơn hai tháng nối lại hoạt động sản xuất trong điều kiện bình thường mới, các DN trong Khu công nghiệp Lai Vu, tỉnh Hải Dương đã bắt nhịp ổn định, dồn lực sản xuất cho những đơn hàng bị gián đoạn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, đại diện Khu công nghiệp Lai Vu cho biết, trước đây, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, 11 DN trong khu công nghiệp chỉ tổ chức sản xuất khoảng 30% công suất. Tới nay, khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, các DN đã nâng công suất hoạt động lên 70% để kịp tiến độ các đơn hàng. Với khoảng 18.000 lao động, khu công nghiệp luôn áp dụng triệt để các kịch bản phòng, chống dịch tại nơi làm việc và xử lý tình huống trong tình trạng khẩn cấp; thường xuyên đánh giá nguy cơ lây nhiễm tại đơn vị…
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, nhìn chung, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian vừa qua đã phát huy hiệu quả rất lớn trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của DN. Đặc biệt, Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” được ban hành hết sức kịp thời, đã giúp hoạt động sản xuất hồi phục mạnh mẽ, từ đó thúc đẩy xuất khẩu tăng cao trở lại. Số liệu của Tổng cục Thống kê ghi nhận, tính đến hết tháng 11-2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 602 tỷ USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 301,73 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước.
Xác định nhu cầu để thúc đẩy xuất khẩu
Thêm điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu là vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 11 tháng của nước ta sang các thị trường lớn đều đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, điển hình là thị trường ASEAN, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu… Một tín hiệu tích cực khác cho thấy sự phục hồi của hoạt động xuất khẩu, khi Việt Nam đã có tháng xuất siêu thứ 3 liên tiếp sau nhiều tháng liên tục nhập siêu ở mức cao. Cán cân thương mại tháng 11 xuất siêu 1,26 tỷ USD, tính chung 11 tháng năm 2021 xuất siêu 1,46 tỷ USD. Mặc dù đây không phải là con số cao nhưng rất đáng khích lệ trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Hoạt động xuất khẩu đang có thuận lợi về thị trường khi nhu cầu mua sắm cuối năm tăng cao, đặc biệt là nhóm hàng có lợi thế, tạo đà tăng cho kim ngạch xuất khẩu cả năm. Trên thế giới, việc các quốc gia, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu chủ lực của ta như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu… đã và đang thực hiện các phương án mở cửa, sử dụng hộ chiếu vaccine, ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý cư dân, tổ chức lại các hoạt động kinh tế, văn hóa-xã hội, mở cửa du lịch báo hiệu nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 vẫn còn tiếp tục diễn biến khó lường, nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát trở lại và xảy ra ở bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào. Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như nguồn cung lao động có thể trở lại nếu DN, địa phương lơ là kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố phía Nam.
Ghi nhận ý kiến cộng đồng DN cho thấy, để ổn định sản xuất phục vụ các đơn hàng xuất khẩu, DN kiến nghị cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, đặc biệt là tại các địa phương trọng điểm về sản xuất. Bên cạnh đó, Nhà nước cần sớm ban hành chính sách áp dụng linh hoạt quy định về giờ làm thêm trong thời kỳ dịch bệnh, để tạo điều kiện cho DN tăng ca sản xuất, bảo đảm tiến độ giao hàng. Chia sẻ rõ về điều này, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần May 10, bày tỏ: May 10 hiện có 12.000 cán bộ, công nhân viên, phân tán trên 7 tỉnh, thành phố. Suốt mấy tháng qua, DN bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các đợt giãn cách, có nhà máy phải đóng cửa hoàn toàn nên số giờ làm thêm trong tháng không dùng hết. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm 2021 và đầu năm 2022, khi kinh tế hồi phục trở lại, DN buộc phải tăng tốc làm thêm để kịp hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu. Vì vậy, trong bối cảnh dịch bệnh, nên cho phép DN linh hoạt điều chỉnh giờ làm thêm vào những tháng cao điểm. Để có nguồn hàng xuất khẩu, DN phải phục hồi và đẩy mạnh sản xuất. Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội, thời gian qua, các DN đối diện với tình trạng đứt gãy, mất thị trường, đình trệ lưu thông, xáo trộn về nguồn nhân lực cũng như gia tăng chi phí liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19. Các DN đang chờ đợi một gói kích cầu tổng thể, trong đó có gói vay lãi suất rẻ hơn để giúp họ hồi phục sau đại dịch. Tuy nhiên, các điều kiện cho vay cần giảm đến mức thấp nhất.
Đánh giá về hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong thời điểm cuối năm, Bộ Công Thương cho rằng có những thuận lợi khi ta đang khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do và nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm, đặc biệt là nhóm hàng nước ta có lợi thế. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, đến nay, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do kể cả song phương và đa phương, trong đó có hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA)… “Việc đàm phán và ký kết thành công nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại quan trọng hàng đầu đã giúp kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam ngày càng tăng trưởng mạnh”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nêu rõ. Bộ Công Thương dự báo, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề, chưa từng có của đại dịch Covid-19, song kim ngạch xuất, nhập khẩu của nước ta năm 2021 sẽ vượt mốc 660 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 ước đạt 331,1 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020.
Sát cánh cùng DN, Bộ Công Thương đang triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu. Trong đó, Bộ Công Thương chú trọng triển khai thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do; tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường, dịch bệnh, trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia để tham mưu với Chính phủ những giải pháp điều hành ứng phó với các yếu tố bất lợi; xác định chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu. Đặc biệt, để tạo thuận lợi cho DN tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính. Trong đó, tập trung triển khai các thủ tục hành chính về lĩnh vực xuất nhập khẩu theo cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN…; đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới.
FLASH SALE
Kết thúc trong
Xem tất cả >
Mật ong nuôi bạc hà
Mật ong nuôi hoa nhãn, hoa vải
Mật ong nuôi hoa cafe, cacao
Mật ong nuôi hoa tràm
Mật ong nuôi hoa cam, quýt
Tranh gốm trang trí
Bình gốm sứ trang trí
Bình ngâm rượu
Bộ ấm chén
Bộ đồ ăn gia đình
Mật ong rừng hoa cam, quýt
Mật ong rừng hoa tràm
Mật ong rừng hoa cafe, cacao
Mật ong rừng hoa nhãn, hoa vải
Mật ong rừng bạc hà